VĐV cầu lông Nguyễn Thùy Linh: Sáng cửa vào nhóm hạt giống tại Olympic
VHo - Thi đấu một mình và giành ngôi á quân tại Giải cầu lông Đức mở rộng quả là một thành tích ấn tượng với Nguyễn Thùy Linh. Cô gái 27 tuổi này tiếp tục chứng tỏ được khả năng và phong độ của tay vợt số 1 cầu lông nữ Việt Nam hiện tại.
Tay vợt Nguyễn Thùy Linh sẽ tiếp tục được đầu tư trọng điểm cho mục tiêu hạt giống tại Olympic 2024 Ảnh: HOÀNG LINH
Đầu tư trọng điểm cho Thùy Linh
Trước khi vào chung kết giải Đức mở rộng 2024, Thùy Linh thắng thuyết phục cựu số một thế giới Ratchanok Intanon (Thái Lan) ở tứ kết. Lội ngược dòng trước Kim Ga Eun (Hàn Quốc), hạng 13 thế giới ở bán kết, Thùy Linh trở thành tay vợt Việt Nam đầu tiên, sau Nguyễn Tiến Minh vào chơi một trận chung kết giải 300. Đối thủ của cô là Blichfeldt, người Đan Mạch, xếp hạng 22 thế giới. Đáng tiếc là ở trận chung kết, Thùy Linh đã không thể vượt qua đối thủ và nhận HCB. Tuy nhiên, việc Thùy Linh thi đấu ấn tượng vào tới trận chung kết của giải đấu lớn này đã là thành tích đáng ghi nhận. Bên cạnh những lời khen dành cho Thùy Linh, nhiều người hâm mộ tỏ ra ái ngại khi Thùy Linh phải thi đấu một mình, không có ê kíp cùng đi, hay ít nhất là có sự dẫn dắt của chuyên gia hay HLV.
Giải thích về điều này, Tổng thư ký Liên đoàn Cầu lông Việt Nam Lê Thanh Hà cho biết, thông thường kinh phí nhà nước chỉ đủ lo cho các VĐV ở những giải đấu lớn như giải vô địch Đông Nam Á, vô địch châu Á hay vô địch thế giới… Còn các giải quốc tế mở rộng khác, VĐV thường đi bằng kinh phí của đơn vị chủ quản hoặc các nhà tài trợ. Vì không đủ kinh phí, nên Thùy Linh thường đi thi đấu một mình ở các giải quốc tế này và bản thân Thùy Linh cũng cảm thấy thoải mái và tự đi thi đấu. Thùy Linh cho biết, việc cô được đi thi đấu ở nước ngoài nhiều với một lịch trình dày đặc như vậy là vì cô đã nhận được sự hỗ trợ từ nhiều phía trong đó có các cơ quan quản lý nhà nước, đơn vị chủ quản và Liên đoàn Cầu lông Việt Nam. Nếu kinh phí ít mà có thêm HLV cùng đi thì cơ hội đi dự các giải đấu của VĐV sẽ giảm.
“Năm nay do xác định Thùy Linh có khả năng tranh vé để trở thành một trong 12 hạt giống, tăng khả năng tiến xa hơn tại Olympic Paris 2024, nên kinh phí của Nhà nước cấp cho Cầu lông được đầu tư trọng điểm cho Nguyễn Thùy Linh. Vì thế kể cả 5 giải quốc tế mở rộng tại châu Âu đầu năm nay như các giải quốc tế mở rộng tại Đức, Pháp, Anh, Tây Ban Nha, Thuỵ Sĩ, Linh đều được tham dự bằng nguồn kinh phí nhà nước. Đầu năm nay, Linh cũng đã tham dự 2 giải quốc tế có HLV đi cùng và sắp tới cô và các đồng đội tại đội tuyển cầu lông quốc gia sẽ có chuyên gia người Indonesia dẫn dắt. Tuy nhiên do vị HLV này đang hoàn tất các thủ tục nên chưa thể cùng Thùy Linh sang Đức tại giải đấu vừa qua”, ông Lê Thanh Hà cho biết.
Hết cảnh thi đấu một mình
Chuyên gia Hariawan Hong đã có mặt tại Việt Nam vào ngày 1.3. Đây là vị chuyên gia đã gắn bó với Cầu lông Việt Nam. Lần gần nhất vị chuyên gia này xuất hiện cùng đội tuyển cầu lông Việt Nam là tại SEA Games 31. Khi đó, đội tuyển Cầu lông Việt Nam giành được 3 HCĐ ở các nội dung đơn nam, đôi nam và đồng đội nữ. Ngay sau kỳ Đại hội, ông Hariawan Hong nói lời chia tay với cầu lông Việt Nam để trở về quê nhà lo việc cá nhân. Nhiệm vụ của vị chuyên gia này là sẽ cùng ban huấn luyện đội tuyển lên kế hoạch huấn luyện, thi đấu của các tuyển thủ chuẩn bị cho Olympic. Hiện tại ngoài Thùy Linh gần như đã chắc vé dự Olympic, tay vợt Lê Đức Phát cũng đang hướng tới mục tiêu giành vé tham dự Đại hội.
Như thế tại các giải đấu quốc tế sắp tới, Thùy Linh sẽ không phải “lủi thủi” một mình, khiến người hâm mộ ái ngại nữa. “Hot girl” của Cầu lông Việt Nam sẽ có sự hỗ trợ của vị chuyên gia từng gắn liền với nhiều thành công của Cầu lông Indonesia. Thực tế cho thấy không chỉ Thùy Linh mà nhiều tay vợt nổi tiếng khác của thế giới cũng thường xuyên trong cảnh “lủi thủi” một mình tại các giải đấu quốc tế. Ngay tại giải Cầu lông Việt Nam mở rộng 2023, nhiều tay vợt quốc tế cũng đến Việt Nam một mình.
Là tay vợt nữ số 1 Myanmar, lọt vào top 50 thế giới và đang sáng cửa đến Olympic Paris, nhưng Thet Htar Thuzar cũng không có HLV hay săn sóc viên đi cùng. Hoa khôi cầu lông Myanmar thường một mình đến rồi đi ở các giải quốc tế cô tham dự. Chia sẻ trên trang cá nhân, tay vợt người Malaysia Goh Jin Wei cho biết cô phải tự đặt vé máy bay, phòng khách sạn và mọi khoản chi khác để du đấu. Thậm chí, tay vợt từng được xem là thần đồng của Cầu lông Malaysia đã tìm hiểu trước và cài đặt Grab để sang Việt Nam bắt xe cho rẻ, thay vì gọi taxi ở TP.HCM. Một tay vợt nổi tiếng nằm trong top 10 thế giới của Mỹ cũng thường xuyên đi thi đấu một mình. “Ở các nền thể thao chuyên nghiệp, VĐV sẽ không được nhà nước đài thọ kinh phí như ở nước ta mà sẽ phải tự túc hoàn toàn, nên họ sẽ phải tính toán sao cho việc tham dự các giải đấu quốc tế ít tốn kém nhất. Vì thế hầu hết các tay vợt phải tự túc kinh phí đều chọn cách đi thi đấu một mình mà không kèm theo HLV”, ông Lê Thanh Hà cho biết.
Về bài toán kinh phí để có thể huy động nhiều nguồn lực hơn nữa giúp cho các tay vợt xuất sắc như Thùy Linh có thêm sự đồng hành của HLV khi thi đấu tại các giải đấu quốc tế, ông Lê Thanh Hà cho biết, hiện Linh có 4 nhà tài trợ lo về trang phục, vé máy bay, hỗ trợ kinh phí. Trên thực tế cho tới giờ phút này toàn bộ kinh phí thi đấu, tập huấn của Thùy Linh là do nhà nước, đơn vị chủ quản là tỉnh Đồng Nai hoặc các nhà tài trợ chi trả.
“Chúng tôi cũng tìm nhiều cách để hỗ trợ VĐV một cách tối đa nhất. Liên đoàn cũng đã kết nối Linh với các nhà tài trợ, để có thêm nguồn kinh phí bên cạnh nguồn kinh phí Nhà nước hỗ trợ cho các hoạt động của các VĐV. Với các tài năng trẻ khác, như trường hợp của tay vợt 13 tuổi quê Hải Dương Nguyễn Thị Thu Huyền đầy triển vọng, vô địch nhiều giải đấu trong nước, Liên đoàn cũng đã kết nối để VĐV có thể đầu quân cho các đơn vị mạnh, có khả năng đầu tư để phát huy tốt nhất khả năng của các VĐV”, ông Lê Thanh Hà chia sẻ.
VÂN SA